Cầu cứu trong vô vọng
Sáng ngày 1/8, hàng chục nhà đầu tư vẫn đổ về trụ sở công ty Sky Mining để nghe ngóng thông tin về ông Lê Minh Tâm - Chủ công ty đầu tư máy đào tiền ảo Sky Mining. Tổng hợp đơn thư của các nhà đầu tư có thể số tiền ông Tâm mang theo khi bỏ trốn lên tới 1.000 tỉ đồng. Nhiều nhà đầu tư khác tại các tỉnh miền Tây cũng đang đổ xô về TPHCM để gửi đơn đến cơ quan chức năng.
Ghi nhận trụ sở công ty Sky Mining, gần 1 tuần trôi qua tâm lý các nhà đầu tư vẫn khá hoang mang. Nhiều người bỏ công ăn việc làm cả tuần qua để gửi đơn thư khắp nơi cầu cứu cơ quan chức năng.
Các nhà đầu tư chờ đợi ở trụ sở công ty Sky Mining
"Tôi thực sự rất lo lắng, cả tuần nay gần như tôi không thể chợp mắt được. Do Việt Nam chưa có luật về tiền kỹ thuật số nên nếu ông Tâm bỏ trốn thực sự thì cũng rất khó để đòi lại. Chúng tôi đều là dân đầu tư tài chính, chúng tôi chấp nhận rủi ro trong đầu tư nhưng việc ông Tâm bỏ trốn thì chúng tôi không thể chấp nhận được. Đây là hành vi lừa đảo, chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm giải quyết sự việc cho chúng tôi để chúng tôi yên tâm làm ăn", bà M (ngụ Bình Dương) chia sẻ.
Trong group kín của Sky Mining, không chỉ ông Tâm đã thoát ra khỏi nhóm mà nhiều "đầu nậu" của Sky Mining cũng đã không còn hoạt động. Các nhà đầu tư lúc này cũng đã chia thành từng nhóm nhỏ để tập trung gửi đơn cầu cứu cơ quan chức năng. Theo tìm hiểu của PV Dân Trí, hầu hết người đầu tư vào Sky Mining đều là những nhà đầu tư nhiều loại tiền ảo trước đó như Bitcoin, Onecoin, Ilcoin, vncoin...
"Chị đầu tư vào coin lâu rồi chứ đây không phải lần đầu, chị cũng tìm hiểu rõ về Sky Mining mới tham gia. Lúc đầu Sky Mining trả lãi đều nên chị cũng nghĩ họ sẽ làm ăn đàng hoàng, ai ngờ giờ ra sự việc này. Tiền đầu tư có phải của mình chị đâu, chị vay mượn khắp nơi để tham gia những gói lớn với hy vọng lãi suất cao hơn. Bây giờ mà không thu lại được tiền chị chỉ còn cách bán nhà trả nợ", bà T.A (ngụ quận 2) cho hay.
Theo các nhà đầu tư thì họ được Sky Mining mời gọi tham gia đầu tư vào máy đào tiền ảo để sinh lợi nhuận. Họ chuyển tiền mặt cho ông Tâm rồi sau đó tuỳ theo gói đầu tư ông Tâm phân chia lợi nhuận hàng tháng cho nhà đầu tư. Tuy vậy, ông Tâm cũng chỉ chuyển các đồng coin do máy đào ra về cho nhà đầu tư chứ không trả tiền mặt.
So với năm ngoái, một máy đào Bitcoin có giá hàng trăm triệu mỗi máy. Đối với những dòng máy "khủng" có giá lên tới 500 triệu, thậm chí 1 tỉ đồng. Tuy vậy, thời gian qua đồng coin liên tục rớt giá khiến giá máy đào cũng rớt thê thảm. Nhiều loại máy mua mới được "thổi" lên 500 triệu đồng thì nay chỉ có thể bán được vài triệu đồng. Nếu lúc này, Sky Mining trả lại máy cho nhà đầu tư thì họ cũng đã "lỗ sặc máu".
Nguy cơ mất trắng rất cao
Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết: "Hiện nay, chúng ta chưa một khung pháp lý nào để điều chỉnh và bảo vệ quyền lợi của những người đầu tư “tiền ảo”. Còn hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng “tiền ảo” là vi phạm pháp luật. Do đó khi nếu có tranh chấp phát sinh từ các giao dịch dân sự có sử dụng tiền ảo thì có thể bị tuyên vô hiệu do có nội dung vi phạm điều cấm của luật, các bên chỉ phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Nhưng nếu bên có nghĩa vụ hoàn trả tiền không có khả năng thanh toán thì nguy cơ mất tài sản là rất cao".
Theo luật sư Chánh, nguy cơ nhà đầu tư mất tiền là rất cao
Theo luật sư Chánh, trong trường hợp việc đầu tư tiền ảo có yếu tố lừa đảo thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành xác minh, điều tra theo quy định Bộ luật Tố tụng Hình sự. Về ý kiến cho rằng việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo là hành vi trái pháp luật, ông Chánh cho rằng: Chỉ cần người đầu tư không sử dụng tiền ảo như một loại tiền tệ là không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, quan niệm này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người đầu tư.
"Thứ nhất, hiện nay chúng ta chưa có cơ chế pháp lý cụ thể để điều chỉnh việc mua, bán, đầu tư từ loại tiền ảo này. Thứ hai, toàn bộ quá trình mua, bán các loại tiền ảo đều diễn ra trên mạng, chính vì thế mà không đảm bảo về mặt an ninh, người dùng rất dễ bị lấy cắp thông tin cá nhân, tài khoản, dẫn đến tình trạng bị mất tiền thật. Ngoài ra, trong giao dịch đầu tư tiền ảo, người mua thường chỉ liên lạc với chủ đầu tư thông qua mạng Internet, do đó khi xảy ra bất kì sự cố nào thì việc tìm kiếm chủ đầu tư rất khó khăn, người sở hữu tiền ảo thường là người chịu thiệt thòi. Còn nếu bỏ tiền ra “đầu tư” theo sự kêu gọi nào đó rất dễ trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo và có nguy cơ mất trắng số tiền mình đã bỏ ra", Luật sư Chánh nhận định.
Cũng theo luật sư Chánh, kể từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp bao gồm các loại tiền ảo đều là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP. Không chỉ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, người phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 206 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Xuân Hinh
Tag :trụ sở công ty, ông Lê Minh Tâm, hành vi lừa đảo, kẻ lừa đảo
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét