Thứ Năm, 2 tháng 8, 2018

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Giao thông vào cuộc vụ phế liệu ùn ứ tại cảng

Theo tin từ Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng vừa giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông Vận tải chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương phân loại, giải tỏa hàng ngàn container phế thải đang nằm tại các cảng biển Việt Nam.

Bộ Công an, Bộ GTVT được lệnh vào cuộc kiểm soát phế liệu nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam.

Bộ Công an, Bộ GTVT được lệnh vào cuộc kiểm soát phế liệu nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, phế liệu nhập khẩu ùn ứ hiện nay là tồn đọng nhiều năm trước đây chứ không phải chỉ trong năm nay. Chính vì vậy phải tập trung giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm, yêu cầu thanh tra việc cấp phép nhập khẩu rác thải, chất thải vào Việt Nam thời gian qua. Ngoài ra, các cấp, ngành và cơ quan chức năng không phân biệt quyền hạn, phải có trách nhiệm hạn chế tối đa việc nhập phế liệu vào Việt Nam, trừ phế liệu hết sức cần thiết cho sản xuất.

“Việc này Chính phủ rất cương quyết. Nhập nhiều rác thải là kéo lùi sản xuất, đi lệch định hướng phát triển, đi ngược mục tiêu nâng cấp nền sản xuất của Việt Nam và gây nguy hại đến môi trường sống của người dân”, Thủ tướng nói.

Theo phân công ngành dọc quản lý, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) là đơn vị cấp phép đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu cho doanh nghiệp nhập các loại phế liệu nguyên liệu như (sắt thép phế liệu, giấy, nhựa...). Các Chi cục hải quan thuộc Tổng cục Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm soát thông quan phế liệu nhập khẩu vào nội địa.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện là hải quan chỉ được cung cấp bản sao các giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu, các giấy tờ gốc không được công khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Do đó gây khó khăn cho công tác quản lý, dẫn đến có hiện tượng doanh nghiệp làm giả hồ sơ, con dấu.

Bên cạnh đó, thời gian qua, lực lượng hải quan đã để nhiều tội phạm hàng nhập phế liệu là đồ điện tử qua sử dụng về nước tiêu thụ. Đây là mặt hàng thuộc danh mục cấp nhập khẩu và lưu hành tại Việt Nam; chỉ được tồn tại dưới hình thức hàng tạm nhập, để tái xuất. Tuy nhiên, do quản lý lỏng lẻo, sự tiếp tay của cán bộ chuyên trách hải quan địa phương (đơn cử là vụ mất tích 215 container hàng tại Cát Lái - TP.HCM) đã khiến hàng điện tử qua sử dụng đang được bán nhiều nơi công khai.

Đặc biệt, nguy hại hơn là hai cảng lớn nhất nước là Hải Phòng và TP.HCM đang tồn trên 5.000 container hàng phế liệu, trong đó phần lớn là quá hạn xử lý (trao đến cho doanh nghiệp). Các container này bị bỏ tại cảng, vô chủ đã phát sinh chi phí quản lý, hơn nữa là ô nhiễm môi trường và trở thành nơi tập kết rác thải công nghiệp ở nhiều nơi.

Trước thực trạng này, ngành hải quan đã cảnh báo nếu tình hình nhập khẩu phế liệu tiếp tục có chiều hướng gia tăng, các cảng sẽ không còn chỗ xếp dỡ hàng để kiểm tra; các cảng biển sẽ bị uy hiếp và an ninh hàng hải, các hoạt động logistics sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Tại buổi làm việc với thường trực Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương, các cấp, các ngành liên quan cần quán triệt chủ trương coi việc nhập rác thải về nhiều là kéo lùi sản xuất, gây nguy hại đến môi trường sống của người dân.

Nguyễn Tuyền

Tag :phế liệu, sắt thép nhập, rác thải công nghiệp


Nguồn: dantri.com.vn
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blogger templates