Thứ Tư, 22 tháng 8, 2018

Quản Uber, Grab như taxi truyền thống: Không thể theo kiểu "bình cũ rượu mới"

VCCI cũng lưu ý rằng trong bối cảnh kinh tế chia sẻ và công nghệ 4.0, đã và sẽ xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh mới tương tự Grab.

VCCI cũng lưu ý rằng trong bối cảnh kinh tế chia sẻ và công nghệ 4.0, đã và sẽ xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh mới tương tự Grab.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý đối với Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó có đề cập tới cơ chế áp dụng cho hình thức kinh doanh kiểu Grab.

Theo dự kiến tại Điều 16 Dự thảo, ngoài một số quy định bổ sung liên quan trực tiếp tới hợp đồng vận tải điện tử (các khoản 1-3), chưa có cơ chế nào mới hay riêng biệt nào được dự kiến cho Grab, ngoại trừ khoản 4 Điều 16 dẫn chiếu tới cơ chế quản lý thông thường với taxi truyền thống.

Sai lầm nghiêm trọng

VCCI cho rằng, về mặt logic, pháp luật phải được điều chỉnh để thích ứng với những dạng thức mới phát sinh trong cuộc sống. Và mặc dù có rất nhiều tranh cãi, tất cả đều đồng thuận quan điểm cho rằng Grab là hình thức kinh doanh mới, không giống với các hình thức kinh doanh đã có trước đây về mối quan hệ giữa các bên Grab-bên vận chuyển-hành khách. Do đó, việc áp đặt cơ chế quản lý cũ cho một hình thái kinh doanh mới là không hợp lý.

Trước đó, góp ý về dự thảo Nghị định 86, Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng cho rằng "tư duy của nhà quản lý hiện vẫn không chịu đổi mới" và việc ép Grab, Uber vào khuôn của taxi truyền thống là "sai lầm nghiêm trọng".

Văn bản do Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung ký cho rằng, những phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới có thể chưa được khuyến khích, có thể phải chịu những rào kỹ thuật nào đó, nhưng không có nghĩa là triệt tiêu phương thức kinh doanh này.

Dự thảo mới nhất lấy ý kiến thực tế đã có nhiều điểm mới, như đã bỏ một số quy định, điều kiện về màu sơn biểu trưng, niêm yết logo, trung tâm điều hành, thiết bị liên lạc, đồng phục... Tuy nhiên, theo đại diện CIEM, điều này vẫn là chưa đủ khi vẫn lấy cách thức cũ áp đặt cho phương thức kinh doanh mới để giải quyết bất cập hiện tại.

Các chuyên gia CIEM cho rằng, với loại hình kinh doanh kiểu mới như Uber, Grab..., cơ quan soạn thảo có xu hướng lấy chuẩn mực cũ để áp dụng cái mới, với cách tiếp cận chi phối là chỉ được kinh doanh những gì pháp luật quy định.

Trong văn bản góp ý hơn chục trang gửi Văn phòng Chính phủ về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014, Viện trưởng CIEM đề xuất "không nên thông qua dự thảo này". Và nếu vẫn cần một Nghị định thay thế Nghị định 86, chuyên gia CIEM góp ý, cần chuyển mạnh quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này từ tiền kiểm sang hậu kiểm và áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro.

Giảm thiểu tác động bất lợi Grab có thể gây ra

Về mặt tính chất, hình thức kinh doanh kiểu Grab xét một cách chặt chẽ thì là hình thức cung cấp dịch vụ môi giới mà ở đó Grab đóng vai trò là bên trung gian, môi giới.

Tuy nhiên, theo VCCI, khác với các dịch vụ môi giới thông thường, Grab là dịch vụ môi giới sử dụng công nghệ có thể ảnh hưởng đến một số lượng lớn bên cung cấp dịch vụ vận chuyển và khách hàng (có thể là hàng trăm ngàn chủ thể), tức là có thể tác động tới một nhóm lợi ích đáng kể (ở mức có thể coi là lợi ích công cộng).

Do đó, cần có biện pháp kiểm soát để giảm thiểu các tác động bất lợi mà hoạt động vận chuyển hành khách qua môi giới của Grab có nguy cơ gây ra.

Theo đó, VCCI cho rằng, để bảo đảm bên vận chuyển tuân thủ pháp luật, qua đó bảo đảm quyền lợi cho hành khách, Grab phải bảo đảm rằng tất cả các bên vận chuyển tham gia vào mạng lưới kết nối môi giới của Grab phải có Giấy phép kinh doanh vận tải, đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật đối với người cung cấp dịch vụ vận tải và Grab phải xuất trình được Giấy phép của bên cung cấp dịch vụ vận tải mà Grab là môi giới.

Để bảo đảm lợi ích của hành khách trong trường hợp xảy ra tranh chấp với bên vận chuyển, Grab có thể phải chịu trách nhiệm đại diện bên vận chuyển xử lý tranh chấp, bồi thường thiệt hại cho khách hàng, nếu có, sau đó Grab yêu cầu bên vận chuyển trả lại cho mình sau (tương tự cách thức bảo hiểm trách nhiệm dân sự với bên thứ ba);

Để bảo đảm lợi ích của bên vận chuyển, Grab có thể phải thực hiện một số nghĩa vụ nhất định đối với bên vận chuyển tham gia mang lưới môi giới của mình để giảm thiểu nguy cơ nhóm này có thể thua thiệt trong thương lượng với Grab. Cũng về vấn đề này, cần chú ý rằng pháp luật về kinh doanh vận tải không phải công cụ duy nhất để bảo vệ bên vận chuyển trong trường hợp này.

"Ví dụ, nếu Grab áp đặt các điều kiện về giá cước, tỷ lệ trích trả hoa hồng môi giới một cách bất hợp lý, gây thiệt hại cho bên vận chuyển, bên vận chuyển hoàn toàn có thể kiện Grab vì hành vi lạm dụng vị trí độc quyền/thống lĩnh thị trường theo pháp luật cạnh tranh", VCCI đề xuất.

Ngoài ra, VCCI đề xuất, để bảo đảm lợi ích của Nhà nước liên quan đến vấn đề thuế của dịch vụ kiểu Grab, Bộ Tài chính sẽ phải nghiên cứu xây dựng một cơ chế về thuế mới phù hợp tính chất và bối cảnh của loại hình kinh doanh này.

VCCI cũng lưu ý rằng trong bối cảnh kinh tế chia sẻ và công nghệ 4.0, đã và sẽ xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh mới tương tự Grab. Do đó, từ góc độ chính sách, việc nhận diện đúng bản chất và xác định cơ chế quản lý tương ứng cho dịch vụ kinh doanh kiểu Grab là rất quan trọng và cần được thực hiện cẩn trọng nhằm bảo đảm sự thống nhất chung trong quản lý của Nhà nước đối với các hình thức kinh doanh tương tự Grab trong các lĩnh vực kinh tế khác.

Phương Dung

Tag :Grab, VCCI, taxi truyền thống, hình thức kinh doanh mới


Nguồn: dantri.com.vn
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Blog Archive

Blogger templates