"Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá không vì mục tiêu duy nhất nào mà phải hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành tỷ giá phù hợp cân đối vĩ mô, các diễn biến thị trường tiền tệ, ngân hàng".
Đó là khẳng định của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khi bà nhận được chất vấn từ báo giới về khả năng phá giá tiền Đồng của Ngân hàng Nhà nước trước những diễn biến bất lợi của thị trường tiền tệ thế giới, trong đó đáng chú ý là việc giảm giá mạnh của đồng Nhân dân tệ (Trung Quốc).
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, vừa qua, diễn biến giảm giá mạnh của đồng Nhân dân tệ (CNY) là đáng lưu ý đối với hoạt động điều hành không chỉ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mà còn cả ngân hàng trung ương các nước trên thế giới.
Việt Nam là đối tác thương mại đầu tư của nhiều nước thế giới, nhưng khi điều hành, Ngân hàng Nhà nước không chỉ căn cứ vào diễn biến một đồng tiền mà là diễn biến nhiều đồng tiền.
Cũng theo Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng, từ 4/1/2016, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang điều hành theo cơ chế tỷ giá trung tâm dựa trên các yếu tố diễn biến các đồng tiền của đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam, bao gồm cả CNY cũng nằm trong giỏ tính toán xác định tỷ giá trung tâm hằng ngày.
Để bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô, điều hành thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước không chỉ căn cứ vào diễn biến tỷ giá trung tâm mà còn nhiều yếu tố khác như lãi suất, thanh khoản…để phối hợp với chính sách tài khoá, điều tiết bảo đảm mục tiêu đề ra.
"Diễn biến thời gian qua cho đến hôm nay, tỷ giá trung tâm của Việt Nam đã tăng 1,1% so với cuối năm ngoái, với biên độ cho phép dao động 3%, tỷ giá liên ngân hàng biến động tăng 2,5% so với cuối năm 2017. Đây là diễn biến trong tầm kiểm soát Ngân hàng Nhà nước phù hợp diễn biến xu hướng các đồng tiền trên thế giới và khu vực", bà Hồng khẳng định.
Trước đó, ngày 23/7 vừa qua, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã nâng mạnh giá bán ra USD trên biểu niêm yết, trở lại cách áp giá bán thấp hơn trần 50 VND quen thuộc như trước đây.
Với động thái trên của cơ quan quản lý, tỷ giá USD/VND biến động khá mạnh từ cuối tuần qua, đáng chú ý ở diễn biến hướng tới mức giá trần theo biên độ cho phép trong ngày 31/7.
Tuy nhiên, sau khi có điều chỉnh trên, suốt từ 23/7 đến nay Ngân hàng Nhà nước không còn phải bán ra ngoại tệ hỗ trợ nguồn cung cho thị trường nữa.
Nguồn: vneconomy.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét