Dọc theo Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bình Chánh (TPHCM), nhiều điểm bán nước giải khát luôn trong tình trạng tấp nập khách mua hàng.
Chị Nguyễn Thị Bé, chủ một điểm bán nước giải khát nằm trên quốc lộ 1 thuộc xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh) cho biết, quầy nước của chị chỉ bán cam vắt, chanh dây và trà tắc. Các loại nước được bán đồng giá 10.000 đồng/ly. Trong ngày 30/4, gia đình chị đã bán được khoảng hơn 80kg cam, 10kg chanh dây và tắc.
“Mấy ngày lễ thì mỗi ngày bán từ 200 – 300 ly là bình thường. Người ta tấp xe vào mua nước rồi đi luôn nên hàng bán chạy lắm”, chị Bé nói.
Các điểm bán nước dọc hai bên quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh, TPHCM) luôn tấp nập khách trong kỳ nghỉ lễ do lượng người đổ về quê đông đúc.
Cũng theo chị Bé, mỗi dịp lễ lớn thì lượng hàng bán ra tăng gấp 3 lần so với ngày bình thường vì lượng người đi xe máy về quê đông đúc. Trong ba ngày 28, 29 và 30/4, quầy nước của chị đạt doanh thu trên 2 triệu đồng/ngày, chủ yếu là khách đến từ các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long…
Anh Đỗ Quốc Triệu, chủ một quán cà phê “cóc” trên Quốc lộ 1 (xã An Phú Tây) chia sẻ, dịp lễ năm nay, gia đình anh huy động hết nhân lực trong nhà ra phụ anh bán nước. Mỗi ngày, quán cà phê của anh bán được từ 300 – 400 ly. Doanh thu gấp 4 lần so với ngày bình thường, đạt từ 5 – 6 triệu đồng.
“Quán tôi có mấy cái võng để khách nằm nghỉ ngơi, chính vì vậy mà khách đông hơn. Nắng nóng nên khách chủ yếu gọi nước mía, nước cam, nước dừa để uống cho mát”, anh Triệu nói.
Theo quan sát của chúng tôi, ngoài những quán nước được đầu tư bài bản thì nhiều điểm bán nước “dã chiến” cũng đã “mọc” lên dọc hai bên quốc lộ để phục vụ các “thượng đế”. Chỉ cần một chiếc thùng xốp và một chiếc ghế là người dân đã tạo ra những điểm bán nước di động để kiếm tiền. Mỗi chai nước suối cỡ nhỏ (250-330ml) được bán với giá 5.000 đồng, nước ngọt các loại dao động từ 10.000 – 15.000 đồng.
Một số người dân bán nước tại các điểm bán “dã chiến” cho biết, họ chỉ bán tạm vài ngày lễ để kiếm tiền, ngày bình thường họ làm công việc khác. Mỗi ngày bán nước như vậy, người bán kiếm từ 300.000 – 500.000 đồng. Nước suối và nước ngọt là những loại nước chủ lực của các điểm bán dã chiến này.
Anh Đặng Phú Thi (quê Tiền Giang) cho biết, dịp lễ này, anh tranh thủ thời gian chở vợ con về quê nên chỉ mua ít chai nước suối lạnh cho nhanh gọn rồi đi. Các điểm bán nước ven đường có giá cả phải chăng và phù hợp với túi tiền của gia đình anh.
Một quán cơm trên quốc lộ 1 “chặt chém” du khách dịp lễ đã bị cơ quan chức năng xử lý.
Cũng theo những người dân thường xuyên về miền Tây dịp lễ thì trước khi mua đồ ăn, thức uống thì cần phải hỏi giá cả, bởi dọc theo tuyến Quốc lộ 1 cũng có nhiều hàng quán lợi dụng ngày lễ để tăng giá, thậm chí là “chặt chém” hành khách.
Cụ thể, trong dịp lễ 2/9 năm ngoái, 6 vị khách đi từ tỉnh Bến Tre về TPHCM đã gọi 6 đĩa cơm sườn tại một quán cơm nằm trên quốc lộ 1 đoạn qua xã Nhị Thành (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An). Tuy nhiên, đến khi tính tiền thì các vị khách đã “tá hỏa” khi chủ quán đòi 1,2 triệu đồng.
Ngay sau khi nhận phản ánh của người dân, lực lượng chức năng huyện Thủ Thừa đã xử phạt chủ quán 4 triệu đồng và kiểm điểm lãnh đạo UBND xã Nhị Thành.
Đại Việt
Tag :nước giải khát, trà sữa, huyện Bình Chánh
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét