Alex Zhou, 32 tuổi, giám đốc điều hành của trang thương mại điện tử Yamibuy đã xây dựng được một đế chế bán các loại đồ ăn và sản phẩm khác của châu Á khó tìm ở Mỹ cho cộng đồng người nhập cư tại đây.
Tìm giải pháp cho thị trường chưa được khai thác
Theo tờ South China Morning Post, khi từ thành phố Đại Liên, Liêu Ninh, Trung Quốc đặt chân tới Mỹ lần đầu tiên để theo học trường Đại học bang Kansas, Zhou không thể tưởng tượng rằng phải mất tới 2 giờ lái xe tới một siêu thị bán đồ Á ở thành phố Kansas để mua những sản phẩm như nước tương đậu nành hay mỳ ăn liền kiểu Trung Quốc.
Nơi Zhou sống gần như không có siêu thị hay nhà hàng nào bán hay phục vụ món ăn chuẩn vị Trung Quốc. Thậm chí, các trang bán hàng trực tuyến cũng không giúp ích được nhiều. Các loại thực phẩm châu Á trên Amazon tương đối hạn chế.
Khó khăn trong việc tìm các loại thực phẩm châu Á đã dẫn Zhou tới ý tưởng thành lập một trang thương mại điện tử chuyên bán các mặt hàng cho những người gặp vấn đề tương tự với mình, gồm sinh viên giới chuyên nghiệp, người nhập cư châu Á sống ở Mỹ nhưng muốn thưởng thức hương vị quê nhà.
Sau khi tốt nghiệp Đại học bang Kansas năm 2013, Zhou chuyển tới Los Angeles, bỏ ra 50.000 USD để thành lập Yamibuy và bắt đầu bán các sản phẩm châu Á khó tìm thấy ở Mỹ.
Nhiều đồ ăn châu Á khó tìm được ở Mỹ.
Trước đó, các hãng thương mại điện tử Trung Quốc như Alibaba và JD.com đã phát triển bùng nổ tại thị trường nội địa nhờ sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử và tầng lớp trung lưu.
Tuy nhiên, hai đại gia này lại không bán hàng ra quốc tế. Zhou đã nắm bắt dư địa này để phát triển Yamibuy.
"Nhu cầu sản phẩm châu Á ở đây rất lớn nhưng hầu như chưa có ai đáp ứng cả", Zhou cho biết. Chỉ riêng ở Mỹ, trong khoảng 1,2 triệu sinh viên quốc tế có tới gần 1/3 là người Trung Quốc, theo dữ liệu từ Bộ An ninh Nội địa Mỹ. Theo ước tính của Liên hợp quốc, có khoảng 2,4 triệu người nhập cư từ Trung Quốc sống tại Mỹ tính tới năm 2017.
Đi từ số 0 đến 100 triệu USD
Không hề có kinh nghiệm khởi nghiệp, cũng không có nhiều kiến thức về kinh doanh thương mại điện tử, Zhou phải bắt đầu từ con số không. Để tìm nhà cung cấp các loại thực phẩm châu Á, Zhou đã phải tới các siêu thị đồ Á, đứng ở cửa sau và ghi lại tên của các nhà cung cấp dán trên thùng xe tải chở hàng. Sau đó, Zhou bắt đầu gọi điện cho họ.
"Ban đầu mọi thức thực sự khó khăn, họ không tin tôi sẽ thành công", Zhou nói. Các nhà cung cấp cũng băn khoăn không muốn bán sản phẩm cho Zhou bởi số lượng nhập chỉ bằng một phần nhỏ so với các siêu thị đồ Á lớn.
"Tôi từng phải nói chuyện với một nhà cung cấp tới 7 lần trước khi họ đồng ý hợp tác với tôi", Zhou nhớ lại.
Yamibuy bán nhiều đồ ăn vặt, mỳ ăn liền cho cộng đồng người nhập cư châu Á ở Mỹ.
Yamibuy bắt đầu với một nền tảng web đơn giản và một nhà kho nhỏ rộng khoảng 200m2 và trữ khoảng 200 mặt hàng, chủ yếu là đồ ăn vặt (snack) từ Hàn Quốc và Nhật Bản được người châu Á sống ở Mỹ yêu thích nhưng lại khó tìm ở các siêu thị.
Số hàng ban đầu của Yamibuy nhanh chóng bán hết. Nhu cầu tăng đều đặn, chỉ trong vòng 3 tháng, Zhou đã chuyển sang một nhà kho rộng gấp 3 lần. Chỉ trong vòng 5 năm, diện tích nhà kho của Yamibuy đã lên đến gần 42.000 m2 với hơn 20.000 mặt hàng thuộc nhiều danh mục từ mỹ phẩm cho tới thậm chí đồ bếp.
Hiện nay, Yamibuy có hơn 80.000 người dùng và đạt tăng trưởng hai con số mỗi năm. Dù startup này mới chỉ có một vòng gọi vốn lớn, huy động được 10 triệu USD vào tháng 7 năm ngoái. Chỉ riêng trong năm 2017, Yamibuy đã có doanh thu 100 triệu USD. Zhou cho biết công ty đang dần tiến tới điểm hòa vốn, tuy nhiên vẫn đang ưu tiên mở rộng thay vì lợi nhuận trong giai đoạn này.
Xây dựng một hệ sinh thái dịch vụ
Ngoài khó khăn trong việc mua đồ châu Á ở Mỹ, Zhou cũng nhận ra một vấn đề khác - đó là nhiều khách hàng không thể tìm được các nhà hàng phục vụ món ăn chuẩn vị Á Đông tại đây. Dù nhiều dịch vụ đánh giá nhà hàng khá phổ biến như Yelp tại Mỹ nhưng không dễ tìm được những nhà hàng phục vụ món Á tốt bởi đa số người viết đánh giá trên Yelp có những sở thích ưu tiên khác so với đồ ăn châu Á.
Đầu tháng 5, Yamibuy đã cho ra mắt tính năng đánh giá nhà hàng trên phiên bản di động để giải quyết vấn đề này. Đây cũng là một trong những tính năng đầu tiên của Meituan-Dianping - nền tảng trực tuyến của Trung Quốc hiện đã mở rộng sang dịch vụ giao thực phẩm, đặt vé xem phim, đặt dịch vụ theo yêu cầu, thậm chí cả đặt chỗ nhà hàng.
Zhou tin rằng Yamibuy có khả năng xây dựng được một hệ sinh thái, vừa bán sản phẩm châu Á, vừa cung cấp cho các khách hàng châu Á thông tin liên quan khi đi ăn ở nhà hàng.
Nói về khả năng các ông lớn như Alibaba sẽ gia nhập thị trường này, Zhou trả lời rằng "Tôi muốn dành thời gian để cải thiện trải nghiệm của khách hàng và đáp ứng các nhu cầu của họ, bởi vì dù là ai cạnh tranh với bạn, lý do duy nhất khách hàng rời bỏ bạn là bởi họ không nhận được dịch vụ hay trải nghiệm mình mong muốn", Zhou nói.
Hiện tại, 90% khách hàng của Yamibuy là người nhập cư châu Á ở Mỹ hay người Mỹ gốc Á. Tuy nhiên, Zhou cũng nhận thấy rằng 10% còn lại là những người không có liên quan tới châu Á nhưng lại muốn thử các sản phẩm phương Đông và ông tin rằng xu hướng này sẽ còn tiếp tục phát triển.
Yamibuy dự định mở rộng thị trường sang Canada vào cuối năm 2018 và Zhou cũng không loại trừ khả năng Yamibuy sẽ tiến chân vào Australia và châu Âu.
Nguồn: vneconomy.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét