Đây là con số được nêu ra trong báo cáo mà Oxfam công bố trong ngày hôm nay (22/1). Báo cáo “Đãi ngộ người lao động, không phải nhóm siêu giàu” được công bố trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, nơi tập trung các chính trị gia và nhà kinh tế hàng đầu thế giới.
Tài sản của giới siêu giàu đang tăng mạnh theo ngày (ảnh minh hoạ)
Tài sản nhân loại nằm trong nhóm 1%
Theo báo cáo, năm ngoái là năm chứng kiến số lượng tỷ phú tăng mạnh nhất trong lịch sử, cứ 2 ngày lại có 1 tỷ phú xuất hiện. Hiện trên toàn thế giới có 2.043 tỷ phú USD. Trong 12 tháng, của cải của nhóm những người giàu có và quyền lực nhất thế giới này đã tăng thêm 762 tỷ USD. Con số này lớn gấp 7 lần số tiền đủ để chấm dứt nghèo đói cùng cực.
Giai đoạn từ 2006 đến 2015, những người lao động bình thường đã chứng kiến thu nhập của mình tăng trung bình chỉ ở mức 2% mỗi năm, trong khi tài sản của các tỷ phú đã tăng gần 13% mỗi năm - nhanh hơn gần gấp 6 lần.
Cũng theo báo cáo, 82% của số tài sản tăng trên toàn cầu trong năm ngoái là thuộc về 1% những người giàu nhất, trong khi tài sản của những người ở dưới đáy của xã hội lại không hề tăng.
“Trong khi các tỷ phú chứng kiến gia tài của họ tăng thêm 762 tỷ USD một năm, thì những người phụ nữ làm các công việc chăm sóc không được trả lương, những người đã đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu một giá trị khoảng 10.000 tỷ USD mỗi năm”, báo cáo của Oxfam lưu ý.
Dữ liệu mới từ Credit Suisse cho thấy rằng hiện nay 42 người đang sở hữu giá trị tài sản tương đương với tài sản của 3,7 tỷ người thuộc tầng lớp dưới đáy của xã hội, và rằng con số của năm ngoái đã thay đổi từ 8 lên 61 người hiện đang nắm giữ số tài sản tương đương với số tài sản của 50% người dân còn lại.
1% những người giàu nhất tiếp tục sở hữu nhiều của cải hơn so với với toàn bộ phần còn lại của nhân loại.
Bất bình đẳng - sản phẩm của thừa kế, độc quyền, thân hữu
Ở các quốc gia trên toàn thế giới, vấn đề tương tự cũng đang nổi lên. Năm 2017, nghiên cứu của Oxfam và các tổ chức khác đã cho thấy, ở Nigieria, tiền lãi người đàn ông giàu nhất có thể kiếm được từ số tài sản của mình trong một năm đủ để có thể giúp 2 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực. Mặc dù kinh tế Nigieria đã tăng trưởng mạnh trong gần một thập kỷ vừa qua, nhưng tình trạng nghèo đói vẫn ngày càng tăng.
Ở Indonesia, 4 người giàu nhất sở hữu số lượng tài sản lớn hơn số lượng tài sản của 100 triệu người ở dưới đáy của xã hội. Ở Mỹ, 3 người giàu nhất sở hữu số tài sản tương đương với một nửa số dân ở tầng lớp bên dưới (khoảng 160 triệu người).
Và ở Brazil, 1 người đang sống với mức lương tối thiếu phải làm việc trong 19 năm thì mới kiếm được số tiền bằng với số tiền mà một người nằm trong số 0,1% những người giàu nhất trên thế giới kiếm được trong một tháng.
Oxfam nhận xét, ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy rằng, mức độ bất bình đẳng cực đoan hiện tại lớn hơn nhiều những gì có thể được biện minh bởi tài năng, nỗ lực và sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Thay vào đó, nó lại là sản phẩm của thừa kế, độc quyền hoặc những mối quan hệ mật thiết với chính phủ.
Khoảng 1/3 số tài sản của các tỷ phú là từ thừa kế. Trong vòng 20 năm tới, 500 người giàu nhất thế giới sẽ bàn giao lại 2.400 tỷ USD cho những người thừa kế của họ - một con số lớn hơn cả GDP của Ấn Độ, một quốc gia với 1,3 tỷ dân.
Theo Oxfam, công việc nguy hiểm và bị trả công thấp lại đang làm nền cho sự giàu có cực độ của nhóm siêu giàu. Chính vì vậy, tổ chức này kêu gọi, các chính phủ cần xây dựng một xã hội bình đẳng hơn bằng cách ưu tiên người lao động bình thường và những người sản xuất quy mô nhỏ hơn là những người giàu có và thế lực.
Bích Diệp
Tag :giới siêu giàu thế giới, Oxfam, Davos, số lượng tỷ phú USD, Tỷ phú đô la, giới siêu giàu, người giàu nhất
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét