Thành hình tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành tự hào khi sân bay quốc tế Vân Đồn là dự án giao thông duy nhất thu hút được BOT trong lĩnh vực hàng không
Lịch khai trương Sân bay quốc tế Vân Đồn có khả năng tiếp nhận 2 triệu hành khách và 10.000 tấn hàng hóa/năm, có thể đón được các máy bay lớn như Boeing 777... đã được UBND Quảng Ninh và nhà đầu tư Sun Group chốt kế hoạch dự kiến vào cuối quý II/2018.
Cùng với đó, kế hoạch khai thác các đường bay kết nối Quảng Ninh với các tỉnh phía Nam được cả 3 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific Airlines công bố cùng khai thác.
“Sân bay Vân Đồn sẽ mang đến cho Quảng Ninh những dự án mà trước đây không thể có được do thiếu cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông”, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Quang Ninh bình luận ngắn gọn.
Đây không chỉ là điều mà lãnh đạo Quảng Ninh mong muốn. Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Quảng Ninh như Texhong, Yazaki, Rent A Port… đã chia sẻ lý do họ chậm trễ không chọn Quảng Ninh những năm trước. Đó là giao thông không thuận lợi, chi phí vận tải và thời gian quá lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Thậm chí, trong những lần hội thảo đầu tiên về sự hình thành của đặc khu kinh tế - hành chính Vân Đồn, ông Vũ Tú Thành - Trưởng đại diện Hội Đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam đặt câu hỏi với chính quyền tỉnh, không hiểu sao lần nào về Quảng Ninh cũng thấy sửa đường, mất rất nhiều thời gian di chuyển. “Các nhà đầu tư sẽ đến Vân Đồn bằng cách gì, như thế nào?”, ông Thành nêu băn khoăn khi đó.
Tình thế nay đã khác rất nhiều. Các kế hoạch đầu tư mở rộng hiện tại cũng như tần xuất tìm hiểu cơ hội đầu tư của những nhà đầu tư mới tại Quảng Ninh tăng lên tương ứng với các nỗ lực hoàn thiện hạ tầng giao thông, để hiện thực chiến lược xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh chuyển dịch theo hướng phát triển dịch vụ, công nghiệp và trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại… vào năm 2020.
Cao tốc Móng Cái - Vân Đồn đang ở giai đoạn hoàn thiện...
Hơn thế, danh mục các dự án đầu tư hạ tầng giao thông kết nối có trong kế hoạch đầu tư của tỉnh được phối hợp khá nhịp nhàng trong việc tận dụng các nguồn lực cũng đang tạo nên hấp lực mới cho địa danh này. Đặc biệt phải kể tới đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái sử dụng cả hình thức BOT và nguồn ngân sách nhà nước.
Sau khi hoàn thành đồng bộ đoạn tuyến cao tốc qua Quảng Ninh, thì tuyến đường cao tốc kéo dài từ Móng Cái - Vân Đồn - Hạ Long đến Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai sẽ là tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Bắc bộ, trực tiếp là các tỉnh mà tuyến cao tốc đi qua, đồng thời thúc đẩy phát triển giao thương quốc tế qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái, phát huy vai trò là cửa ngõ kết nối ASEAN với Trung Quốc.
Tất nhiên, kế hoạch phát triển Vân Đồn trở thành đặc khu kinh tế - hành chính cũng tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho Quảng Ninh.
Cơ hội để “làm khác”
Với các chuyên gia kinh tế, mối quan tâm tới các nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng của Quảng Ninh không chỉ dừng lại ở những dự án mà Quảng Ninh chắc chắn nhận được sau khi trở thành một trong số ít địa danh có hệ thống hạ tầng giao thông hoàn thiện và đồng bộ, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không.
“Sun Group đã hoàn thành công trình có tổng vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng chỉ trong vòng khoảng 18 tháng. Nếu công trình này do Nhà nước đầu tư xây dựng, tôi tin là phải mất 15-18 năm. Đó là sự hấp dẫn của Quảng Ninh trong tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh”, TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế (Viện KHXH Việt Nam) phân tích bài học kinh nghiệm của Quảng Ninh khi là địa phương đầu tiên đề xuất và thực hiện đầu tư sân bay theo hình thức PPP.
Thậm chí, ông Thiên cho rằng, phải thay đổi tư duy, không chỉ nhìn vào ngân sách nhà nước trong các dự án đầu tư hạ tầng, nhất là khi giới đầu tư thường có xu hướng bắt tay để cùng khai thác cơ hội đầu tư, tự quảng bá chuỗi kết nối khi các vấn đề về chính sách, khung khổ pháp lý chưa hoàn thiện.
“Tôi đã nhìn thấy cách nhà đầu tư tạo ra các liên minh kết nối để khai thác các công trình mà họ đã đầu tư. Các nhà đầu tư hạ tầng giao thông sẽ kết nối với các dự án du lịch, các hãng hàng không..., cũng hợp tác để quảng bá các dự án của họ, tạo ra nguồn thu ngay khi các dự án được đưa vào khai thác”, ông Thiên nói.
...Cùng với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Quảng Ninh sẽ có được tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam.
Trong trường hợp của Sun Group, họ không chỉ đầu tư Cảng hàng không Vân Đồn mà còn đang đầu tư khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp có casino trên diện tích 2.500 ha, với tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ USD trên đảo Cái Bầu và đảo Trà Ngọ. Với chuỗi dự án trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng trải rộng cả nước, Sun Group đã tạo nên những sản phẩm đủ sức kết nối với các thị trường mà họ hướng tới.
Tất nhiên, các nhà đầu tư cần cơ chế, chính sách để gắn kết kế hoạch đầu tư kinh doanh với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
“Với Quảng Ninh, cơ chế để phát triển Vân Đồn trở thành đặc khu hành chính – kinh tế. Việc này cần phải được làm sớm để thúc đẩy các dòng vốn đầu tư tư nhân” - ông Thiên nói.
Mới đây nhất, chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) của Quảng Ninh năm 2017 vừa được công bố, với những đánh giá tích cực từ hơn 1.500 doanh nghiệp, về cả tính minh bạch, tính năng động của hệ thống chính quyền, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp, trách nhiệm người đứng đầu.
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, kết quả có ý nghĩa đặc biệt với công tác cải cách của Quảng Ninh thông qua ý kiến đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, người dân.
N.S
Tag :quảng ninh, thu hút vốn tư nhân, đầu tư hạ tầng, năng lực cạnh tranh, BOT giao thông, cao tốc dài nhất Việt Nam
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét