Cụ thể, Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc, ngân hàng có số chi nhánh nhiều nhất nước này đã bị cơ quan điều tiết ngân hàng quốc gia phạt 80 triệu USD vì đóng vai trò trong vụ bê bối liên quan đến việc làm giả thư đảm bảo cho trái phiếu đã vỡ nợ của ngân hàng Guangfa Bank.
Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc vừa bị phạt 80 triệu USD vì tham gia lừa đảo tài chính. (Nguồn: SCMP)
Theo đó, Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện cho biết trong một bản đệ trình cho thị trường chứng khoán Hong Kong hôm qua (1/1) rằng văn phòng Bắc Kinh của Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc (CBRC) đã yêu cầu ngân hàng này tịch thu số tiền 260 triệu nhân dân tệ cho các khoản vay mà họ đã thực hiện cho ngân hàng Guangfa và trả một khoản tiền phạt tương tự cùng một khoản cộng thêm là 500.000 nhân dân tệ vì không tuân thủ các quy tắc cho vay và các tiêu chuẩn quản lý.
Tổng số tiền phạt lên đến 521 triệu nhân dân tệ.
Theo tờ South China Morning Post, tính đến nay, CBRC đã phạt 13 tổ chức tài chính, số tiền phạt tổng cộng lên đến 1,34 tỷ nhân dân tệ (tương đương gần 4,7 nghìn tỷ đồng).
Những tổ chức này đóng vai trò trong việc cho vay đối với ngân hành Guangfa, vốn đã tham gia vào vụ bê bối gian lận khi phát hành 2 trái phiếu trị giá 1 tỷ nhân dân tệ vào ngày 20/12/2016 bởi 2 nhà sản xuất điện thoại của Tập đoàn Cosun và được bán trên nền tảng quản lý tài sản trực tuyến Zhaocaibao của Công ty Ant Financial Holdings - một chi nhánh thanh toán của Alibaba.
Tuy nhiên, chỉ đến khi Ant Financial Holdings và 10 ngân hàng khác đến Công ty Bảo hiểm Tài sản và Thương vong Zheshang để mua bảo hiểm cho các khoản nợ thì mới biết các giấy tờ bảo lãnh được phát hành bởi các chi nhánh của Ngân hàng Guangfa tại Huệ Châu, Quảng Đông là giả.
Đáng nói, các nhân viên ngân hàng đã dùng con dấu của công ty để làm giả các tài liệu, gây thiệt hại 12 tỷ nhân dân tệ.
CBRC cho biết: “Vụ án có liên quan đến một lượng tiền mặt rất lớn từ nhiều công ty, vì thế sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội”.
Chuyên gia phân tích Chen Shujin, làm việc tại Công ty Chứng khoán Huatai cho rằng: “Guangfa đã bảo lãnh và thực hiện các khoản đầu tư bất hợp pháp vào thị trường liên ngân hàng nhằm trang trải các khoản nợ xấu của mình. Đó là những điều cấm kị trong ngành tài chính”.
Nhiều nguồn tin cho biết, 6 nhân viên có liên quan đến vụ bê bối này của ngân hàng Guangfa đã bị cấm hành nghề ngân hàng vĩnh viễn và được giao cho các cơ quan chức năng để truy tố.
Tháng trước, Guangfa đã bị phạt 722 triệu nhân dân tệ, mức phạt lớn nhất từng được các nhà quản lý ngân hàng đưa ra.
Bên cạnh đó, ngoài khoản tiền phạt trị giá 8% lợi nhuận trong năm 2016, tất cả khoản lợi nhuận bất hợp pháp của ngân hàng này cũng sẽ bị tịch thu.
Ngoài ra, ngân hàng này cho biết, sẽ tăng cường quản lý rủi ro và kiểm soát, nhưng chắc chắn rằng tiền phạt và việc tiếp xúc với ngân hàng Guangfa sẽ không có bất kỳ tác động tiêu cực đáng kể nào đến tình hình kinh doanh và tài chính của ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện, theo hồ sơ.
Hồng Vân (Tổng hợp)
Tag :ngân hàng, Trung Quốc, phạt, lừa đảo, bê bối, cho vay, ngân hàng Trung quốc
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét