Cụ thể liên quan đến Vụ án Thái Huy và đồng phạm buôn lậu lốp ô tô qua sử dụng về tiêu thụ trong nội địa Việt Nam (hành vi và hàng hóa cấm, ngoại trừ tạm nhập tái xuất nước thứ 3), Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46), Bộ Công an đã đề nghị truy tố hai cán bộ hải quan TP.HCM vì tội "Buôn lậu" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại các Điều 153, 285 Bộ Luật hình sự năm 1999.
Cụ thể, căn cứ vào kết quả điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra có đủ cơ sở xác định Nguyễn Anh Kiệt, công chức hải quan Chi cục Hải quan cửa khẩu Sài Gòn khu vực 1 và Trương Ngươn Hậu, công chức hải quan Chi cục hải quan cửa khẩu Sài Gòn khu vực 4 là những công chức được phân công kiểm hoá, kiểm tra, tiến hành làm thủ tục thông quan theo hình thức tạm nhập, tái xuất các lô hàng lốp xe ô tô đã qua sử dụng của các Công ty TNHH Dịch vụ Việt; Công ty TNHH Lê Gia.
Hai công chức hải quan có trách nhiệm lập và theo dõi hồi báo nhưng đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình (không fax biên bản giao nhận hàng hóa đến cửa khẩu tái xuất và không thực hiện việc kiểm tra hồi báo) theo quy định của Bộ Tài chính.
Điều này dẫn đến không phát hiện được các DN không tái xuất mà tiêu thụ lốp xe ô tô đã qua sử dụng (hàng cấm nhập khẩu) trong nội địa.
Riêng cá nhân ông Nguyễn Anh Kiệt được phân công làm thủ tục hải quan đối với 01 tờ khai tạm nhập, 01 tờ khai tái xuất tương ứng vào tháng 11/2014 với hơn 2.000 lốp xe qua sử dụng.
Việc không thực hiện trách nhiệm của ngành đã khiến hơn 2.000 lốp xe qua sử dụng được bán trong nội địa trị giá hơn 789 triệu đồng.
Cá nhân ông Trương Ngươn Hậu được phân công làm thủ tục hải quan đối với 02 tờ khai tạm nhập, 02 tờ khai tái xuất tương ứng tháng 11/2014 với hơn 4.250 lốp xe qua sử dụng.
Việc không thực hiện trách nhiệm của ngành đã khiến hơn 4.250 lốp xe qua sử dụng bán trong nội địa trị giá hơn 1,256 tỷ đồng.
Hành vi của Nguyễn Anh Kiệt và Trương Ngươn Hậu đủ dấu hiệu cấu thành tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại các Điều 285 Bộ Luật hình sự năm 1999 nên Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với hai đối tượng trên.
Tuy nhiên, do có sự thay đổi chính sách hình sự nên hành vi phạm tội của của Nguyễn Anh Kiệt và Trương Ngươn Hậu thuộc trường hợp được áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội.
Cụ thể điều này được quy định tại điểm b, Khoản 1, điểm d, Khoản 2 Điều 2, Nghị quyết số 41/2017/QH14 tháng 6/2017 của Quốc hội (thi hành Bộ luật hình sự năm 2015). Đồng thời theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 hai đối tượng của Nguyễn Anh Kiệt và Trương Ngươn Hậu không bị xử lý bằng pháp luật hình sự.
Ngày 11/1/2018, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành 02 quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đối với Nguyễn Anh Kiệt và Trương Ngươn Hậu.
Tuy nhiên, theo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, hành vi sai phạm của Nguyễn Anh Kiệt và Trương Ngươn Hậu không bị xử lý về hình sự nhưng cần phải xử lý nghiêm bằng các biện pháp hành chính theo Luật cán bộ, công chức và quy định của ngành Hải quan.
Cơ quan này yêu cầu Cục Hải quan TP. HCM xử lý hành vi vi phạm của Nguyễn Anh Kiệt và Trương Ngươn Hậu theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, gửi kết quả về cho Viện này, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Toà án nhân dân TP.HCM để biết.
Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng thông báo về trường hợp của cán bộ hải quan tại Cục Hải quan Đà Nẵng Tống Đức Tiến tiếp tay cho buôn lậu, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với việc nhập về và bán trong nội địa hơn 7.900 lốp ô tô qua sử dụng, số tiền 5,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng theo Luật mới, đối tượng Tống Đức Tiến được xử lý theo hướng có lợi, thoát án hình sự. Viện Kiểm sát cũng yêu cầu Cục Hải quan Đà Nẵng xử lý trách nhiệm về ngành đối với cán bộ hải quan nói trên.
An Linh
Tag :cố ý làm trái, cán bộ hải quan, đề nghị truy tố, án hình sự, ngành Hải quan
Nguồn: dantri.com.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét