Chính phủ vừa có báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2016.
Theo báo cáo, tính đến hết năm 2016, nhà nước còn nắm giữ 100% vốn tại 583 doanh nghiệp, trong đó có 7 tập đoàn kinh tế, 67 tổng công ty, 17 công ty TNHH MTV và 492 doanh nghiệp độc lập thuộc bộ ngành, địa phương.
Tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước tính đến cuối năm 2016 đạt 3.053.547 tỷ đồng, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2015. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 36% tổng tài sản. Trong đó khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con có tổng tài sản là 2.822.131 tỷ đồng, chiếm 92% tổng tài sản; các Công ty TNHH MTV độc lập còn lại chiếm 8% tổng tài sản.
Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước là 1.398.183 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm 2015. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt 1.515.821 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ, trong đó 7 tập đoàn đạt doanh thu 934.721 tỷ đồng, giảm 2% so với thực hiện năm 2015, chiếm 62% tổng doanh thu của các doanh nghiệp toàn quốc; Khối 67 TCT đạt 399.750 tỷ đồng, giảm 1% và chiếm 26,3% tổng doanh thu; Khối 17 Công ty mẹ - con đạt 48.060 tỷ đồng, tăng 7,5% nhưng chỉ chiếm 3% tổng doanh thu.
Riêng khối các doanh nghiệp độc lập đạt 133.288 tỷ đồng, tăng 4,3% so với thực hiện năm 2015, chiếm 8,7% tổng doanh thu của các doanh nghiệp toàn quốc.
Lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp đạt 139.658 tỷ đồng, giảm 14% so với thực hiện 2015. Trong đó, 7 tập đoàn kinh tế đạt lợi nhuận trước thuế 78.870 tỷ đồng, giảm 25% so với thực hiện năm 2015, chiếm 56% tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp toàn quốc.
Đóng góp lớn nhất là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam có số lợi nhuận năm 2016 là 26.517 tỷ đồng dù giảm 38% so với năm 2015. Nguyên nhân được đưa ra là giá dầu trung bình năm 2016 chỉ đạt 52,46 USD/thùng dẫn đến doanh thu và lợi nhuận trực tiếp và gián tiếp của các đơn vị khai thác, chế biến, kinh doanh xăng dầu giảm. Ngoài ra, lợi nhuận được chia từ Liên doanh Vietsovpetro cũng giảm mạnh.
Một tập đoàn khác là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có số lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2016 là âm 335.078 triệu đồng, trong khi năm 2015 là 2.134.810 triệu đồng, Nguyên nhân chính do trong năm 2016 có 4 Công ty con bị lỗ: Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty cổ phần DAP-Vinachem; Công ty Công ty cổ phần DAP số 2-Vinachem. Các dự án, doanh nghiệp này nằm trong danh sách 12 dự án yếu kém, thua lỗ thuộc ngành Công Thương mà Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả.
Trong khi đó, khối các tổng công ty, công ty mẹ - con, doanh nghiệp độc lập có lợi nhuận trước thuế tăng trưởng tốt đạt lần lượt 43.902 tỷ, 3.890 tỷ và 12.994 tỷ đồng.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 vẫn còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp nhà nước là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với những biến động thị trường; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.
Cụ thể, tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp nhà nước năm 2016 là 251.845 tỷ đồng (chiếm 24,82% trong tổng cân đối thu ngân sách năm 2016).
Tuy vậy, báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn vẫn còn xảy ra.
"Cơ chế quản trị doanh nghiệp nhà nước chậm được đổi mới, kém hiệu quả, tính công khai, minh bạch còn hạn chế. Trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp nhà nước chưa rõ ràng; công tác cán bộ, chính sách tiền lương, thưởng còn bất cập, chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa có tác động khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động", Chính phủ đánh giá.
Đồng thời, cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nên hiệu quả triển khai quy định về công khai, minh bạch chưa cao. Hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán của các cơ quan quản lý nhà nước không cao. Tình trạng thực hiện chưa nghiêm túc chủ trương của Đảng, vi phạm pháp luật, rủi ro, yếu kém, thua lỗ trong doanh nghiệp nhà nước chưa được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.
Nguồn: vneconomy.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét